Xin chào bạn, chúc bạn một ngày mới nhiều niềm vui!
Bạn có biết, có một món ăn kiểu Trung Hoa rất phổ biến ở Hàn Quốc nhưng lại không có bán tại Trung Quốc? Hôm nay, Hanyori sẽ kể cho bạn nghe về một món ăn như thế, đó chính là Mỳ tương đen – Jajangmyeon.
Mục lục
Đây là một loại mỳ được ăn kèm với xốt đậu tương đen (hay còn gọi là Chunjang). Chunjang được tạo nên bởi caramen và đậu nành đen. Chunjang sau khi chiên sơ qua với dầu ăn rồi nấu chung với các loại rau củ như hành tây, bí ngòi, hành boa-rô sẽ thành một thứ nước xốt đen đặc sánh. Đó chính là nước xốt được rưới lên mỳ để thành món Mỳ tương đen – Jajangmyeon.
Những món ăn nấu theo kiểu Trung Hoa và được yêu thích tại Hàn Quốc như Jajangmyeon còn có tên gọi chung là Junghwa Yori (중화 요리), nghĩa là món ăn nấu theo kiểu Trung Hoa/ẩm thực Trung Hoa.
Theo các ghi chép, mỳ tương đen Hàn Quốc có nguồn gốc từ tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Đó là năm 1882 thuộc thời Joseon, chính trị rối ren, tranh chấp xảy ra liên miên dẫn đến xã hội loạn lạc. Khi ấy, với danh nghĩa giúp Joseon dẹp loạn, vua nhà Thanh đã cử quân đội đến Triều Tiên.
Cùng với đó, một số thương gia Sơn Đông đi theo quân đội đã chọn Incheon làm điểm dừng chân và bắt đầu bán mỳ tương đen kiểu Sơn Đông. Tương đậu dùng để làm mỳ tương đen Sơn Đông có tên là Mianyang. Tuy nhiên, khi đó loại mỳ tương đen này có vị mặn và khá là cứng nên người Hàn Quốc không ưa chuộng cho lắm.
Cho đến Thế chiến thứ II kết thúc, Nhật Bản bị đánh bại, Triều Tiên chia thành hai chính quyền độc lập là Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Lúc này, Trung Quốc vừa chuyển sang chế độ cộng sản. Đồng thời, vì Trung Quốc ủng hộ Bắc Triều Tiên đánh Hàn Quốc cho nên Trung Quốc cắt đứt ngoại giao với Hàn Quốc. Từ đó, việc nhập nguyên liệu làm mỳ tương đen từ Sơn Đông là rất khó khăn.
Những người Hàn gốc Hoa đã bắt đầu tự làm Mianjang. Mianjang được làm tại Hàn Quốc được gọi là Chunjang. Tuy nhiên, thời điểm đó Chunjang vẫn có vị rất mặn. Và một cuộc thay đổi mang tính cách mạng xảy ra khi điện ảnh Incheon xuất hiện hình ảnh caramen trộn với Chunjang tạo ra một loại xốt mềm mại có vị ngọt nhiều hơn mặn, rất phù hợp với khẩu vị của người Hàn Quốc.
Và từ đó, mỳ tương đen với loại xốt có vị mới này được ưa chuộng và lan ra khắp Hàn Quốc cho đến tận bây giờ, có thể gọi đó là xốt Chunjang “thế hệ mới”.
Ở Incheon, Hàn Quốc, có khu phố Tàu Incheon – Chinatown (인천 치이나 타운) được xem là nơi sản sinh ra mỳ tương đen. Đây là khu vực sinh sống của người Hoa trên đất Hàn, vì thế những đặc trưng văn hóa kiểu Trung Hoa vẫn còn truyền lại đến ngày nay. Đặc biệt, khu phố này cũng là nơi cư ngụ của những nhà hàng ẩm thực Trung Hoa (Junghwa Yori) với các món ăn nổi tiếng như mỳ tương đen, mỳ hải sản cay, thịt chiên xốt chua ngọt…
Nếu bạn có dịp đến Hàn Quốc, đừng quên tới Incheon để thưởng thức món ăn thú vị này nha. Bạn có thể ghé thăm “Pungmi”, nhà hàng được xem là lâu đời nhất và bán mỳ tương đen ngon nhất ở đây.
Trong những dịp dọn dẹp nhà cửa hay chuyển nhà, dọn đến một nơi ở mới, người Hàn thường chọn ăn mỳ tương đen, với quan niệm để “tiếp thêm sức mạnh” và năng lượng mới. Vì thế, người ta gọi đây là món mỳ tân gia.
Thêm một điều thú vị là trong những năm gần đây, giới trẻ Hàn Quốc có một trào lưu mới là ăn mỳ tương đen vào ngày 14 tháng 4 (ngày Valentine đen).
Vào ngày này, những người chưa có người yêu sẽ ăn mỳ tương đen cùng với bạn bè của mình, bởi họ ngầm cho rằng màu đen của mỳ có mối liên hệ mật thiết với cuộc sống độc thân và chẳng biết từ đâu mà người ta gắn màu sắc mùi vị món mỳ này như một lời nhắn nhủ tới bạn bè độc thân rằng, trong cái tối tăm kia vẫn còn vị ngọt ngào và đậm đà, giống như hạnh phúc rồi sẽ đến.
Bạn thích câu chuyện về Mỳ tương đen Jajangmyeon chứ? Bạn có tò mò về cách nấu Mỳ tương đen không? Vào bếp cùng Hanyori nhé.
Chúc bạn thành công và ăn ngon miệng. Đừng bỏ lỡ những công thức món ngon khác TẠI ĐÂY nhé